• Home
  • /
  • Sáng chế
  • /
  • Phản đối nhãn hiệu hay ý kiến của người thứ ba: Lựa chọn nào tốt hơn?

Phản đối nhãn hiệu hay ý kiến của người thứ ba: Lựa chọn nào tốt hơn?

Tải về

Nếu nhãn hiệu xin đăng ký của người khác có khả năng xung đột hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền nhãn hiệu có trước của mình, hoặc nhãn hiệu đó không đáp ứng các tiêu chí bảo hộ, bạn có thể gửi ý kiến bằng văn bản, yêu cầu Cục SHTT xem xét việc từ chối cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký đó. Điều này có thể được thực hiện sau khi Đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố công khai trên Công báo Sở hữu Công nghiệp. Luật SHTT sửa đổi 2022 cung cấp cho các bên liên quan hai cơ chế đưa ra ý kiến của mình đối với Đơn đăng ký Nhãn hiệu đang được thẩm định, bao gồm: (i) Ý kiến của bên thứ ba và/hoặc (ii) Phản đối.

1. Phản đối nhãn hiệu và ý kiến của người thứ ba: Là gì?

• Phản đối là một thủ tục hành chính cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đưa ra ý kiến phản đối đối với Đơn đăng ký các đối tượng Sở hữu Công nghiệp, trên cơ sở đó, yêu cầu Cục SHTT từ chối cấp văn bằng bảo hộ với điều kiện bên phản đối phải chỉ ra cơ sở pháp lý để chứng minh cho yêu cầu của mình.

• Ý kiến của bên thứ ba là một thủ tục cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân đưa ra ý kiến của mình về Đơn đăng ký các đối tượng Sở hữu Công nghiệp, trên cơ sở đó, cơ quan thẩm định đưa ra quyết định về đơn được thẩm định. Ý kiến của bên thứ ba thường đóng vai trò là nguồn tham khảo cho thẩm định viên trong quá trình thẩm định đơn.

2. “Phản đối” và “Ý kiến của người thứ ba”: Điểm giống và khác nhau là gì?

Điểm khác biệt căn bản giữa “phản đối” và “ý kiến của người thứ ba” là thời hạn quy định cho mỗi thủ tục. Đối với việc phản đối, thời hạn nộp Đơn phản đối phải được tuân thủ chặt chẽ (trong vòng 5 tháng kể từ ngày công bố Đơn đăng ký Nhãn hiệu. Đối với Đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp và Đơn đăng ký Sáng chế, thời hạn lần lượt là 04 tháng và 09 tháng). Tuy nhiên, đối với thủ tục “ý kiến của người thứ ba”, luật không đặt ra thời hạn cố định. Ý kiến của người thứ ba có thể được đưa ra trong quá trình Đơn đăng ký Nhãn hiệu đang được thẩm định, kể từ khi Đơn được công bố trên Công báo Sở hữu Công nghiệp cho đến khi Cục SHTT ban hành quyết định cấp Văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký.

So sánh Tiêu chí

Ý kiến của người thứ ba

(Điều 112)

Phản đối

(Điều 112a)

 

Điểm giống

  • Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền đưa ra ý kiến hoặc quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ.
  • Không đòi hỏi tính liên quan lợi ích để nộp ý kiến của người thứ ba hay đơn phản đối.
  • Đều phải lập thành văn bản, nêu căn cứ pháp lý, các phân tích, lập luận cho ý kiến của mình.
Điểm khác Phí Không phải nộp phí Phải nộp phí
Thời hạn Ý kiến của bên thứ ba có thể được nộp trong suốt thời gian thẩm định nhãn hiệu, miễn rằng ý kiến đó phải được nộp trước khi Cục SHTT ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ. Đơn phản đối chỉ được phép nộp trong thời hạn 5 tháng kể từ ngày Đơn đăng ký Nhãn hiệu được công bố trên Công báo Sở hữu Công nghiệp và trước ngày ra quyết định cấp VBBH.
Thủ tục Cục SHTT tiếp nhận ý kiến của bên thứ ba, nhưng có thể không có phản hồi hay phải thiết lập thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của bên thứ ba. Cục SHTT tiếp nhận ý kiến phản đối, cấp số đơn phản đối, phải thiết lập cơ chế, trình tự, thủ tục để giải quyết Đơn phản đối như một thủ tục độc lập (tương tự như thủ tục chấm dứt, hủy bỏ hoặc khiếu nại).
Tính chất Chỉ là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý Đơn đăng ký các đối tượng Sở hữu Công nghiệp (chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo) Là một thủ tục riêng biệt, độc lập, giống các thủ tục khác như: chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực hoặc khiếu nại.

 3. Phản đối hay ý kiến của người thứ ba: Các cơ sở pháp lý nào?

Đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị từ chối đăng ký tại Việt Nam vì lý do tuyệt đối và/hoặc tương đối. Cơ sở tuyệt đối là các dấu hiệu bị loại trừ theo quy định của pháp luật về việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu. Cơ sở tương đối là những cơ sở phát sinh do sự tồn tại của các quyền trước đó, dù dưới hình thức nhãn hiệu đã đăng ký hay hình thức khác. Nhìn chung, phản đối hay ý kiến của người thứ ba có thể được đưa ra dựa trên các căn cứ sau:

• Tính mô tả: tức là, nhãn hiệu chỉ có chức năng cung cấp thông tin về hàng hóa và dịch vụ sử dụng cho nhãn hiệu đó;

• Khả năng phân biệt: tức là, nhãn hiệu không có khả năng thể hiện bằng đồ họa và không có khả năng phân biệt hàng hóa/dịch vụ của cá nhân hoặc tổ chức này với hàng hóa/dịch vụ của cá nhân hoặc tổ chức khác;

• Lừa dối: tức là, nhãn hiệu có tính chất lừa dối công chúng (ví dụ như về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ);

• Xung đột với việc đăng ký trước và/hoặc quyền trước được thiết lập thông qua việc sử dụng.

Lời kết

Nếu thời hạn nộp Đơn phản đối nhãn hiệu đã hết, thì mọi cánh cửa vẫn chưa khép lại. Bạn vẫn có quyền gửi ý kiến bằng văn bản tới Cục SHTT để bày tỏ ý kiến của mình đối với các Đơn đăng ký Nhãn hiệu đang được thẩm định theo thủ tục “ý kiến của người thứ ba”. Ngay cả khi những ý kiến này không ngăn chặn được việc đăng ký nhãn hiệu đó, thì vẫn còn cơ hội để thách thức hiệu lực của nhãn hiệu đó thông qua thủ tục “hủy bỏ hiệu lực” theo quy định của pháp luật về SHTT của Việt Nam.

Hãy liên hệ với KENFOX IP & Law Office nếu bạn cần được tư vấn chuyên nghiệp về các thủ tục phản đối hay ý kiến của người thứ ba tại Việt Nam.

By Nguyen Vu QUAN

Partner & IP Attorney

Đọc thêm:

Phản đối nhãn hiệu ở Việt Nam: Căn cứ pháp lý nào và làm sao để áp dụng hiệu quả?
Đâu là chiến lược giành lại nhãn hiệu khi chưa đăng ký tại Việt Nam?
Phản đối và hủy bỏ nhãn hiệu tại Việt Nam dựa trên bằng chứng về sử dụng rộng rãi – Những lưu ý để giành thắng lợi trong các tranh chấp nhãn hiệu