Xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam: Biện pháp nào hiệu quả?

Tải về

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là việc các cơ quan nhà nước và chủ thể quyền SHTT sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu các đối tượng SHTT của mình, chống lại mọi sự xâm phạm để đảm bảo tính nguyên vẹn quyền sở hữu các đối tượng này. Bảo vệ quyền SHTT không chỉ là ngăn ngừa các hành vi xâm phậm quyền SHTT xảy ra trên thực tế, mà còn là việc xử lý, giải quyết khi có xâm phạm nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.

Các biện pháp pháp lý nào có thể áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT? Trong trường hợp nào, biện pháp “hình sự” phải được áp dụng mà không phải là biện pháp “hành chính”? Liệu có thể áp dụng đồng thời cả 2 biện pháp để xử lý một hành vi xâm phạm quyền SHTT hay không? KENFOX IP & Law Office cung cấp giải đáp chi tiết cho những câu hỏi này nhằm trang bị cho chủ thể quyền SHTT kiến thức và chiến lược cần thiền để bảo vệ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam một cách hiệu quả, đúng luật.

Các biện pháp bảo vệ, thực thi quyền SHTT

Để tăng cường linh hoạt trong bảo vệ, thực thi quyền SHTT, Luật SHTT quy định nhiều biện pháp bảo vệ quyền SHTT.Có thể chia các biện pháp bảo vệ quyền SHTT thành hai loại dựa trên cơ sở các “chủ thể” thực hiện hành vi bảo vệ quyền SHTT:

1. Biện pháp tự bảo vệ

Biện pháp tự bảo vệ quyền SHTT là các biện pháp do chính chủ thể quyền SHTT thực hiện, như được quy định tại Điều 198 Luật SHTT. Đây là biện pháp thể hiện cao nhất sự tự định đoạt của các chủ thể trong quan hệ pháp luật, cho phép họ chủ động bảo vệ, mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Pháp luật trao cho các chủ thể quyền SHTT (chủ sở hữu quyền SHTT hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu quyền SHTT chuyển giao quyền SHTT) quyền tự bảo vệ trước các hành vi xâm phạm.

Điều 198 Luật SHTT quy định về quyền tự bảo vệ của các chủ thể quyền SHTT. Theo đó, chủ thể quyền SHTT có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền SHTT của mình:

  • Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền SHTT;
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
  • Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Biện pháp pháp lý do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện

2.1. Biện pháp dân sự

Tổng quan về biện pháp dân sự: Biện pháp dân sự có thể được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền hoặc của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại bởi hành vi đó. Biện pháp dân sự có thể được sử dụng ngay cả khi hành vi xâm phạm đã hoặc đang được xử lý thông qua biện pháp hành chính hoặc hình sự. Thủ tục để yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, cũng như thẩm quyền và các quy trình liên quan, được điều chỉnh theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Chế tài dân sự: Bao gồm các biện pháp như yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, hoặc các biện pháp khắc phục khác.

Quyền SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng là một quyền dân sự về tài sản nên bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp để xử lý hành vi xâm phạm đến quyền tác giả. Tuy nhiên, do bản chất vô hình của các tài sản trí tuệ, cơ chế bảo vệ và xử lý các vi phạm này có những đặc thù riêng biệt so với các loại tài sản hữu hình khác. Luật SHTT không chỉ định ra các hình thức trách nhiệm pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, mà còn nhằm mục đích khôi phục thiệt hại cho những người có quyền bị vi phạm.

STT Chế tài dân sự Chi tiết Ghi chú
1 Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm Người vi phạm phải ngừng ngay lập tức mọi hành động xâm phạm quyền SHTT Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022
Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
2 Buộc xin lỗi, cải chính công khai Người vi phạm phải thực hiện xin lỗi và cải chính công khai thông qua các phương tiện truyền thông nhằm khôi phục danh dự, uy tín của chủ sở hữu quyền
3 Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự Bao gồm các nghĩa vụ như khôi phục tình trạng ban đầu hoặc thực hiện các hành vi cụ thể khác để khắc phục hậu quả vi phạm
4 Buộc bồi thường thiệt hại Bao gồm việc bồi thường thiệt hại, cả vật chất lẫn tinh thần. Nguyên đơn cần chứng minh thiệt hại thực tế và căn cứ xác định mức bồi thường theo Điều 205 của Luật SHTT
5 Buộc tiêu hủy hoặc phân phối không nhằm mục đích thương mại Các hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện chủ yếu dùng để sản xuất, kinh doanh sản phẩm vi phạm phải được tiêu hủy hoặc phân phối không nhằm mục đích thương mại, đảm bảo không ảnh hưởng tới khả năng khai thác quyền của chủ sở hữu.

2.2. Biện pháp hành chính

Tổng quan về biện pháp hành chính: Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT khi rơi vào các trường hợp được quy định tại Điều 211 của Luật SHTT. Việc áp dụng biện pháp hành chính có thể được thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền, cá nhân hoặc tổ chức bị thiệt hại, cá nhân hoặc tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm, hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện hành vi vi phạm.

Chế tài hành chính: Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật SHTT và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Biện pháp này áp dụng đối với hành vi xâm phạm nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp này do cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra, hải quan và ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện.

Các chế tài thường được áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính bao gồm: Phạt tiền, tịch thu hàng hóa giả mạo, tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Mức phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bản quyền phụ thuộc vào loại hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện.

STT Chủ thể vi phạm Mức phạt tiền tối đa Ghi chú
1 Cá nhân 250.000.000 đồng Nghị định 131/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
2 Tổ chức 500.000.000 đồng

2.3. Biện pháp hình sự

Tổng quan về biện pháp hình sự: Biện pháp hình sự được áp dụng để bảo vệ quyền SHTT, quy định tại Điều 212 là nhằm xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT được coi là tội phạm theo Bộ luật Hình sự. Mục tiêu của biện pháp hình sự là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm, với thẩm quyền, trình tự và thủ tục tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự. Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, đã nâng cao mức độ nghiêm khắc trong xử lý các vi phạm về SHTT, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả và chủ sở hữu. Cụ thể, luật định hai tội danh: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226). 

Chế tài hình sự: Áp dụng trong trường hợp các hành vi xâm phạm phạm quyền SHTT được coi là tội phạm theo Bộ luật Hình sự.

Pháp luật SHTT quy định: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHTTcó đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự” (Điều 212 Luật SHTT).

Chế tài hình sự chỉ áp dụng cho 4 đối tượng sở hữu trí tuệ, gồm:

  • Quyền tác giả;
  • Quyền liên quan;
  • Nhãn hiệu (cụ thể là, Hàng Hóa Giả Mạo Nhãn Hiệu), và
  • Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) (cụ thể là, Hàng Hóa Giả Mạo CDĐL).

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan: Chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan được quy định tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
Điều Khoản Hành Vi Vi Phạm Hình Phạt
Điều 225.1
  • Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phân phối đến công chúng các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
  • Phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.
  • Phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 225.2
  • Phạm tội có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
  • Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 225.3 Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN
Điều 225.4(a)
  • Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phân phối đến công chúng các bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình mà không được phép.
  • Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Điều 225.4(b)
  • Phạm tội có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, hoặc
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Điều 225.4(c) Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc
  • Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) hoặc CDĐL (hàng hóa giả mạo CDĐL) đang được bảo hộ tại Việt Nam được quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
Điều Khoản Hành Vi Vi Phạm Hình Phạt
Điều 226.1
  • Gắn dấu hiệu trùng lặp với nhãn hiệu (hoặc CDĐL) được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu (hoặc CDĐL) lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
  • Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) được bảo hộ.
  • Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (hoặc CDĐL) được bảo hộ.
  • Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
  • Phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.
Điều 226.2
  • Phạm tội có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
  • Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Điều 226.3 Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng
  • Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
CHẾ TÀI HÌNH SỰ ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN
Điều 226.4(a)
  • Gắn dấu hiệu trùng lặp với nhãn hiệu (hoặc CDĐL) được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu (hoặc CDĐL) lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
  • Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu (hoặc chỉ dẫn địa lý) được bảo hộ.
  • Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (hoặc CDĐL) được bảo hộ.
  • Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.
Điều 226.4(b)
  • Phạm tội có tổ chức
  • Phạm tội 2 lần trở lên
  • Thu lợi ≥300 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại ≥500 triệu đồng.
  • Hàng hóa vi phạm ≥500 triệu đồng.
  • Phạt tiền từ 2 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, hoặc
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm.
Điều 226.4(c) Chế tài hình sự khác
  • Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
  • Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc
  • Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

KENFOX IP & Law Office, với kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn sâu rộng, đã và đang hỗ trợ thành công cho nhiều chủ thể quyền SHTT trong việc xử lý, thực thi quyền SHTT. Vui lòng liên hệ với chúng tôi nếu bạn cần một đại diện SHTT chuyên nghiệp xử lý hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam.

Bởi Nguyễn Vũ QUÂN

Partner & IP Attorney

Đọc thêm: