Tải về
Phần lớn đều tin rằng, khi quyền lợi bị xâm phạm, kết luận giám định từ cơ quan chuyên môn như Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (“Viện KHSHTT”) chính là “kim chỉ nam”, là căn cứ khoa học vững chắc nhất để tòa án đưa ra phán quyết công tâm. Thế nhưng, vụ tranh chấp nhãn hiệu kéo dài giữa “gã khổng lồ” ngành nhựa Bình Minh và “tân binh” Bình Minh Việt vừa qua lại đặt ra một câu hỏi lớn, khiến không ít người phải suy ngẫm: Điều gì xảy ra khi kết luận “có xâm phạm” từ cơ quan giám định đầu ngành lại bị tòa án xem là “chỉ để tham khảo”? Có phải “lá chắn” chuyên môn mà chủ thể quyền vẫn tin tưởng đang mất đi giá trị vốn có trong phòng xử án?
Vụ kiện giữa Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh và Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt là một minh chứng điển hình cho sự phức tạp đó. Dù có trong tay Kết luận Giám định khẳng định hành vi xâm phạm từ Viện KHSHTT và cả Quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ cơ quan quản lý thị trường, Nhựa Bình Minh vẫn liên tiếp gặp bất lợi tại tòa. Tại sao một vụ việc tưởng chừng “rõ như ban ngày” lại có những diễn biến khó lường như vậy? Phán quyết của tòa án dựa trên những căn cứ nào khi “gạt bỏ” kết luận giám định – một nguồn chứng cứ được công nhận rộng rãi tại Việt Nam?
KENFOX IP & Law Office cung cấp các các phân tích, nhận định có giá trị thực tiễn từ vụ án này để chủ thể quyền cân nhắc xây dựng chiến lược bảo hộ nhãn hiệu một cách hiệu quả tại Việt Nam.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (thành lập năm 1977) là chủ sở hữu hợp pháp của các nhãn hiệu như “ỐNG NHỰA BÌNH MINH”, “BM Plasco NHỰA BÌNH MINH”, được bảo hộ theo các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 180399 (), 180400 (), 73870 () do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Phát hiện Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh Việt (thành lập 2025) sử dụng tên doanh nghiệp “” và các dấu hiệu “” "BÌNH MINH VIỆT", "NHỰA BÌNH MINH VIỆT" trên sản phẩm ống nhựa PVC, bao bì, biển hiệu và các phương tiện kinh doanh khác, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã hành động rất bài bản.
Dưới góc độ pháp lý SHTT thông thường, với một loạt các bằng chứng gồm nhãn hiệu được bảo hộ, sản phẩm vi phạm và đặc biệt là Kết luận Giám định từ Viện KHSHTT cùng Quyết định xử phạt hành chính, yếu tố xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đang được bảo hộ của Nguyên đơn, vụ kiện của Nhựa Bình Minh lẽ ra phải có một lợi thế rất lớn. Kết luận Giám định của Viện KHSHTT được xem là ý kiến chuyên môn có giá trị cao, dựa trên các tiêu chí đánh giá khoa học và khách quan về khả năng gây nhầm lẫn, đối tượng và phạm vi bảo hộ.
Tuy nhiên, diễn biến tại Tòa án lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Tòa án Nhân dân TP.HCM (Sơ thẩm) đã bác bỏ yêu cầu của Nguyên đơn. Tòa cho rằng:
Nguyên đơn chỉ được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu "Bình Minh", không bao gồm cụm từ "nhựa Bình Minh Việt". Do đó, yêu cầu Bị đơn loại bỏ toàn bộ dấu hiệu "Bình Minh" là không có căn cứ. Đây là một lập luận gây nhiều tranh cãi, bởi lẽ việc đánh giá xâm phạm thường dựa trên yếu tố gây nhầm lẫn tổng thể chứ không chỉ giới hạn ở việc có được bảo hộ độc quyền cả cụm từ bị cho là xâm phạm hay không.
Tòa tuyên bố Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt của QLTT chỉ mang giá trị tham khảo, không phải là chứng cứ để giải quyết vụ án. Điều này thực sự gây sốc cho giới chuyên môn và cộng đồng doanh nghiệp.
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM (Phúc thẩm): Đã y án sơ thẩm, bác kháng cáo của Nguyên đơn. Tòa phúc thẩm tập trung vào các yếu tố khác biệt về hình thức.
Tòa cho rằng mặc dù cùng chứa dấu hiệu "BÌNH MINH", nhưng logo (BM so với BVM), nhãn hàng, kích thước, kiểu chữ, thông tin nguồn gốc hàng hóa của hai bên là hoàn toàn khác nhau, do đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tòa ghi nhận việc Bị đơn đã đăng ký bản quyền tác giả cho logo BVM và đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục SHTT chấp nhận hợp lệ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chấp nhận đơn hợp lệ chỉ là bước đầu, chưa phải là cấp văn bằng bảo hộ, và quan trọng hơn, việc đăng ký sau không thể hợp pháp hóa hành vi xâm phạm quyền đã được xác lập trước đó.
Phán quyết của cả hai cấp tòa, đặc biệt là việc xem nhẹ giá trị của Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt vi phạm của các cơ quan thực thi hành chính, đã tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại.
Nếu Quyết định xử phạt từ các Cơ quan thực thi hành chính, kết luận từ cơ quan giám định đầu ngành, dựa trên phân tích khoa học, lại chỉ được xem là "tham khảo", vậy vai trò thực sự của hoạt động giám định SHTT có ý nghĩa gì? Điều này có thể làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống giám định và cơ chế bảo vệ quyền SHTT.
Tranh chấp SHTT, đặc biệt là về nhãn hiệu, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu về luật pháp, thị trường, và tâm lý người tiêu dùng để đánh giá khả năng gây nhầm lẫn. Việc Tòa án tự mình đánh giá mà không dựa vào (hoặc thậm chí bác bỏ) kết luận chuyên môn, hoặc không trưng cầu giám định lại nếu có nghi ngờ, có thể dẫn đến những phán quyết thiếu khách quan và cơ sở vững chắc, như quan điểm của Viện Kiểm sát đã nêu tại phiên phúc thẩm. Viện Kiểm sát đã đề nghị sửa án sơ thẩm, cho rằng có đủ cơ sở xác định hành vi xâm phạm dựa trên Kết luận Giám định của Viện KHSHTT và Quyết định xử phạt hành chính của QLTT Long An, đồng thời chỉ ra bản án sơ thẩm đã "vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ".
Việc Tòa án ban hành phát quyết đi ngược lại hoàn toàn các kết luận, quyết định xử phạt của cơ quan SHTT (như Kết luận Giám định, Quyết định xử phạt), bất chấp mọi nỗ lực chứng minh trước đó, đồng nghĩa với việc phủ nhận toàn bộ công sức và nguồn lực đã bỏ ra, buộc chủ thể quyền phải tiếp tục hao tổn nguồn lực khổng lồ trong cuộc đua pháp lý đầy tốn kém và mệt mỏi, chỉ để thuyết phục Tòa án về một sự thật vốn đã được chứng minh.
Tòa phúc thẩm tập trung vào sự khác biệt về logo, kiểu chữ, kích thước... để kết luận không gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, dưới góc độ luật SHTT, việc đánh giá khả năng gây nhầm lẫn cần xem xét tổng thể các yếu tố dựa trên quy định của pháp luật (Điều 26.8, Thông tư 23/2023/TT-BKHCN và Điều 77 Nghị định 65/2023/NĐ-CP), bao gồm:
Việc Tòa án quá chú trọng vào hình thức tiểu tiết rõ ràng đã bỏ qua sức ảnh hưởng bao trùm và tính quyết định của thành phần chữ "Bình Minh", vốn là yếu tố cốt lõi gây tranh cãi.
Từ vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau:
Vụ tranh chấp giữa Nhựa Bình Minh và Nhựa Bình Minh Việt không đơn thuần là cuộc đối đầu pháp lý giữa hai doanh nghiệp, mà là một phép thử lớn đối với tư duy pháp lý trong bối cảnh thương hiệu đã trở thành đại diện cho niềm tin của người tiêu dùng. Thắng – thua trong vụ kiện này không chỉ được quyết định bởi bản án, mà còn phản ánh cách mà hệ thống pháp luật Việt Nam đang thiết lập các chuẩn mực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường cạnh tranh và niềm tin thị trường.
Thực tế phán quyết bất ngờ của vụ kiện – nơi mà các kết luận giám định chuyên môn và quyết định xử phạt hành chính đều bị coi nhẹ – đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp rằng, trong môi trường pháp lý hiện tại, việc bảo vệ thương hiệu và bảo vệ niềm tin người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn việc sở hữu các giấy tờ pháp lý hợp lệ. Doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ những giới hạn của hệ thống thực thi và chuẩn bị toàn diện từ chiến lược bảo hộ, chiến lược tố tụng đến việc ứng phó linh hoạt với các bất cập pháp lý trên thực tế.
Trong bối cảnh nạn “ký sinh thương mại” ngày càng tinh vi, doanh nghiệp không chỉ cần chủ động xây dựng chiến lược bảo hộ nhãn hiệu ngay từ đầu, mà còn phải thiết lập các công cụ pháp lý đủ mạnh để tự vệ trước mọi hành vi xâm phạm. Việc kiên trì thực thi quyền một cách bài bản, đa dạng, cùng với việc lường trước những diễn biến phức tạp của thực tiễn pháp lý tại Việt Nam, trở thành yêu cầu sống còn. Đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức và tìm kiếm sự tư vấn chuyên sâu từ các luật sư SHTT chính là yếu tố then chốt để bảo vệ tối ưu tài sản trí tuệ quý giá của doanh nghiệp trong hành trình dài hạn.
Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney
Đỗ Thị Phấn |Special Counsel
Hoàng Thị Tuyết Hồng | Senior Trademark Attorney
Đọc thêm