• Home
  • /
  • Sáng chế
  • /
  • Hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế châu Âu: Tác động đến sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

Hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế châu Âu: Tác động đến sáng chế tại Việt Nam như thế nào?

Tải về

Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng việc bằng sáng chế châu Âu bị hủy bỏ sẽ tự động dẫn đến việc mất quyền bảo hộ tại Việt Nam. Một quyết định hủy bỏ bằng sáng chế tại châu Âu liệu có thể "vượt biên giới" và ảnh hưởng đến bằng sáng chế của bạn tại Việt Nam? KENFOX IP & Law Office cung cấp các hướng dẫn chi tiết liên quan đến mối quan hệ giữa việc sáng chế bị hủy bỏ tại Châu Âu và ảnh hưởng của nó tới bằng sáng chế tại Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, mặc dù việc hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế châu Âu có thể ảnh hưởng đến bằng sáng chế Việt Nam, nhưng nó không “tự động” dẫn đến việc hủy bỏ bằng sáng chế tại Việt Nam.

Hệ thống bảo hộ sáng chế của Việt Nam hoạt động độc lập với châu Âu. Sáng chế đang được nộp đơn đăng ký hay đã được cấp bảo hộ tại Việt Nam không tự động bị hủy bỏ hiệu lực chỉ dựa trên việc bằng đồng dạng của sáng chế đó đã bị hủy bỏ hiệu lực ở một quốc gia khác. Mỗi quốc gia có quy trình thẩm định và xác lập hiệu lực sáng chế độc lập. Về "căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế", Việt Nam thiết lập các căn cứ riêng để hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc một phần bằng sáng chế tại Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2023, bao gồm:

  • Vi phạm quy định về kiểm soát an ninh: Đơn đăng ký sáng chế được nộp vi phạm các quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế.
  • Không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác nguồn gen hoặc tri thức truyền thống: Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được tạo ra trực tiếp dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen được nêu trong bản mô tả sáng chế.
  • Không có quyền đăng ký: Người nộp đơn không có hoặc không được chuyển nhượng quyền đăng ký sáng chế.
  • Đối tượng không được bảo hộ bằng sáng chế: Sáng chế không đáp ứng các yêu cầu về khả năng bảo hộ được quy định tại Điều 8 (trái với đạo đức xã hội và trật tự công cộng hoặc gây phương hại đến quốc phòng và an ninh) và Chương VII (không đáp ứng các yêu cầu bảo hộ về tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp).
  • Sửa đổi không được phép: Việc sửa đổi, bổ sung sáng chế vượt quá phạm vi của đối tượng đã được bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc dẫn đến thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.
  • Bộc lộ không đầy đủ: Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức một người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được.
  • Yêu cầu bảo hộ quá rộng: Sáng chế được cấp văn bằng với phạm vi bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ ban đầu của đơn.
  • Vi phạm nguyên tắc nộp đơn đầu tiên: Sáng chế được cấp không tuân thủ nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được quy định tại Điều 90 của Luật này.

Việc không trả lời Đơn Phản Đối hay Đơn Yêu Cầu hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế châu Âu dẫn đến việc bằn sáng chế Châu Âu bị thu hồi không phải là căn cứ để hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế tại Việt Nam.

Tình huống: Công ty EliLil tại Việt Nam được cấp bằng sáng chế cho một loại thuốc điều trị bệnh ung thư. Công ty EliLil cũng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho sáng chế tương tự tại Châu Âu. Tại Châu Âu, bằng sáng chế của Công ty EliLil bị hủy bỏ với lý do thiếu tính mới, vì một công ty khác đã công bố công khai một loại thuốc có thành phần và công dụng tương tự trước đó. Tại Việt Nam, một công ty đối thủ của Công ty EliLil phát hiện ra thông tin về việc bằng sáng chế bị hủy bỏ ở Châu Âu. Công ty đối thủ này có thể sử dụng thông tin đó làm bằng chứng và nộp đơn yêu cầu Cục SHTT Việt Nam hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế của Công ty A tại Việt Nam, với lý do tương tự (thiếu tính mới).

Kết quả: Cục SHTT Việt Nam sẽ xem xét đơn yêu cầu, đánh giá các bằng chứng được cung cấp (bao gồm cả quyết định hủy bỏ bằng sáng chế ở Châu Âu), đối chiếu với luật Việt Nam và tiêu chí đánh giá tính mới, để quyết định có hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế của Công ty EliLil tại Việt Nam hay không.

Mặc dù hệ thống bằng sáng chế của Việt Nam độc lập với châu Âu, nhưng quyết định hủy bỏ bằng sáng chế châu Âu vẫn có thể được sử dụng làm bằng chứng trong một vụ việc liên quan đến bằng sáng chế tương ứng tại Việt Nam.

  • Bằng chứng tham khảo: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) có thể tham khảo quyết định hủy bỏ bằng sáng chế châu Âu, cùng với các tài liệu liên quan (lý do hủy bỏ, bằng chứng...), để hiểu rõ hơn về tình trạng pháp lý của sáng chế đó ở nước ngoài. Việc bằng sáng chế bị hủy bỏ ở nước ngoài, đặc biệt là ở các quốc gia có hệ thống pháp lý uy tín, có thể được sử dụng như một bằng chứng cho thấy sáng chế không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ. Điều này có thể tạo tiền lệ và làm suy yếu vị thế pháp lý của bằng sáng chế tương ứng tại Việt Nam.
  • Căn cứ để bên thứ ba yêu cầu hủy bỏ: Nếu lý do hủy bỏ bằng sáng chế châu Âu phù hợp với các căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế theo luật Việt Nam (ví dụ: thiếu tính mới, thiếu trình độ sáng tạo...), bên thứ ba có quyền sử dụng thông tin này để làm bằng chứng và yêu cầu Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế tương ứng tại Việt Nam.
  • Cơ sở để Cục SHTT xem xét: Cục SHTT sẽ xem xét kỹ lưỡng quyết định hủy bỏ bằng sáng chế châu Âu, đánh giá các bằng chứng và lập luận của các bên liên quan, đồng thời đối chiếu với các quy định của pháp luật Việt Nam để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế tại Việt Nam hay không.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quyết định hủy bỏ bằng sáng chế châu Âu không mang tính ràng buộc tuyệt đối với Cục SHTT. Cục SHTT sẽ tiến hành thẩm định độc lập dựa trên các tiêu chí và quy định của pháp luật Việt Nam. Việc hủy bỏ bằng sáng chế ở châu Âu chỉ là một trong những yếu tố được xem xét, không phải là yếu tố quyết định duy nhất.

Lời kết

Việc bằng sáng chế bị hủy bỏ ở Châu Âu hay các quốc gia khác không đồng nghĩa với việc bằng sáng chế đó sẽ tự động bị hủy bỏ ở Việt Nam. Hệ thống bằng sáng chế của Việt Nam hoạt động độc lập, với các quy định và tiêu chí riêng biệt để đánh giá tính hợp lệ của một bằng sáng chế. Không phải mọi căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế ở nước ngoài đều có thể áp dụng tại Việt Nam. Chủ bằng sáng chế cần đảm bảo rằng hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của họ luôn đầy đủ, chính xác và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chủ động theo dõi tình hình pháp lý quốc tế và cập nhật những thay đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng rất quan trọng để ứng phó, phản hồi hiệu quả với các tranh chấp hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực bằng sáng chế tại Việt Nam.

Nguyễn Vũ Quân | Partner, IP Attorney

Đỗ Thị Phấn |Special Counsel

Đào Thị Thúy Nga | Senior Patent Attorney

Đọc thêm